Khi nói đến công tác dân vận, nhiều người trích dẫn câu ca dao: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” và cho đó là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dễ trăm lần không dân cũng chịu hay dễ mười lần không dân cũng chịu?

Lý do có sự nhầm lẫn câu trên là của Bác là bởi lẽ nó được coi như một câu châm ngôn có nội dung tư tưởng lớn, khái quát được sức mạnh to lớn của nhân dân nhưng dễ hiểu, gần với cách nói của Bác. Đúng là Bác Hồ có nhắc đến câu ca dao đó trong bài nói chuyện tại Lớp cán bộ cấp huyện miền Bắc ngày 18-11-1967, nguyên văn là: “Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong“. Trong bài phát biểu đó, Bác nói “của các đồng chí Quảng Bình” và Bác có thay chữ trăm thành mười ở vế đầu và chữ vạn thành trăm ở vế sau nhưng nội hàm vẫn không thay đổi: nếu có sự đồng tâm nhất trí của nhân dân thì không việc khó nào không làm được.

Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Bác Hồ thăm quảng bình,
Bác Hồ trên lễ đài ngày về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh 16/6/1957 (ảnh tư liệu)

Trong những năm chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình có lưu truyền câu ca dao đó và Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh xem đó như một khẩu hiệu hành động cách mạng trong công tác vận động quần chúng để vượt qua mọi gian khổ, hy sinh xứng đáng là một tỉnh đứng ở tuyến đầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. 

Câu ca dao đó được biết đến bắt đầu từ xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, một xã miền biển bị địch đánh phá hủy diệt trong chiến tranh. Sống ở bãi ngang, giữa những cồn cát trắng, ngày đêm phải chịu đựng hàng chục trận máy bay, tàu chiến Mỹ bắn phá nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nhân Trạch vẫn vững tay chèo tay súng, ngày đêm bám biển, bám làng mà sản xuất và chiến đấu. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ một công việc hết sức quan trọng của nhân dân Nhân Trạch là phải đào hầm trú ẩn để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và hầm hào chiến đấu của lực lượng dân quân du kích. Nhưng trên vùng  cát, hầm đào xong lập tức bị sạt lở, hàng ngàn ngày công bỏ ra có lúc như dã tràng xe cát.

Trong một phiên họp Đảng ủy để tìm biện pháp chống sạt lở lúc đào hầm, đồng chí xã đội trưởng đọc hai câu ca dao nói trên từng được lưu truyền trong những năm kháng chiến chống Pháp và đề nghị Đảng ủy đưa việc đào hầm hào ra dân bàn bạc, xin ý kiến. Khi đưa vấn đề ra dân, nhân dân đồng tình hưởng ứng và hiến kế nhiều phương pháp hay. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong xã đã huy động được hàng ngàn viên gạch, hàng trăm mét khối đá, gỗ để kè cát chống sạt lở. Hàng trăm chiếc hầm, hệ thống giao thông hào trở nên kiên cố, nhờ vậy mà Đảng bộ và nhân dân xã Nhân Trạch trụ vững suốt những năm tháng chiến tranh.

Từ điển hình của Đảng bộ Nhân Trạch, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương phổ biến cho các địa phương trong tỉnh bài học kinh nghiệm, chỉ có dựa vào dân mới vượt qua mọi gian lao thử thách và câu ca dao đó đã trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng của nhân dân Quảng Bình. Nhiều địa phương thể hiện rất sinh động bài học kinh nghiệm đó trong phong trào thi đua Hai giỏi (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi). Ngoài việc làm hầm, trên mặt trận giao thông vận tải, các địa phương trong tỉnh dựa vào dân với tinh thần “Xe chưa qua nhà không tiếc/ Đường chưa thông không tiếc máu xương”.

Nhân dân huyện Quảng Trạch có phương châm “Đảng – Dân – Nước”, Đảng dựa vào dân làm thủy lợi đưa nước về đồng ruộng giải quyết lương thực của một vùng đất ngàn năm khô cạn. Xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy chủ trương dựa vào dân bám trụ “Một tấc không đi/ một ly không rời” trên địa bàn trọng điểm, vừa sản xuất vừa chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy và tàu chiến Mỹ… Sức lan tỏa của câu ca dao đó đã tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn giúp nhiều địa phương giải quyết những khó khăn trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu.

Vậy thực sự câu ca dao trên là của ai và viết từ khi nào?

Trở lại câu ca dao nói trên mà đồng chí xã đội trưởng xã Nhân Trạch nhắc lại trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước thiết nghĩ, cũng cần nói rõ tác giả và xuất xứ của nó. Đó là hai câu trong một bài ca dao được nhà thơ Thanh Tịnh viết năm 1948.

Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911 tại làng Dương Nỗ, Thừa Thiên – Huế. Trước cách mạng tháng tám năm 1945 ông là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở nửa cuối những năm 30 của thế kỷ 20. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc Trung Bộ, rồi phụ trách Đoàn kịch Chiến thắng của quân đội. Khi tạp chí Văn nghệ quân đội ra đời ông là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm của tạp chí. Ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I, II), ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Văn học Nghệ thuật Việt Nam, quân hàm Đại tá trước khi nghỉ hưu. Ông mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội, hiện phần mộ đặt tại chân núi Thiên Thai, thành phố Huế.

nhà thơ thanh tịnh, Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Nhà thơ Thanh Tịnh tên thật Trần Văn Ninh

Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Thanh Tịnh để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Trước năm 1945, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay Hận chiến trường và nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn khác. Sau năm 1945, khi đến với cách mạng, người ta thấy ông viết nhiều thơ và ca dao phục vụ kháng chiến. Ngoài thơ, ca dao, truyện ngắn ông còn viết kịch và đặc biệt ông được coi là người sáng tạo thể “tấu nói” phục vụ kịp thời cho đồng bào chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1952 ông được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng giải thưởng cho những bài tấu xuất sắc. Năm 2007 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Theo khuynh hướng tình cảm, thơ ông nhẹ nhàng có nhiều câu gần gũi với âm hưởng ca dao và trong ca dao lại có những câu mang tính đúc kết như ngạn ngữ, châm ngôn.

Thơ và ca dao của Thanh Tịnh được lưu truyền nhiều ở Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Pháp và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bởi lẽ nó mang âm hưởng của chất giọng miền Trung lại phản ánh những đòi hỏi thực tế của cuộc sống nên người đọc dễ nhớ, dễ thuộc nên có sức lan truyền mạnh mẽ. Hai câu ca dao trên có xuất xứ từ bài ca dao “Dân no thì lính cũng no” được ông viết trong cuộc vận động đóng thuế nông nghiệp năm 1948. Toàn văn bài ca dao như sau:

Trông lên thì thấy đầy sao

Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Thóc thuế mà có dân đong

Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi

Đêm nằm nghĩ lại mà coi

Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên

Nhân dân là bậc mẹ hiền

Cơm áo gạo tiền thì mẹ phải lo

Dân no thì lính cũng no

Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công.

Nên dùng câu “Dễ trăm lần…” hay “dễ mười lần…” mới đúng?

Dễ trăm lần không dân cũng chịu, bài phát biểu tại Lớp cán bộ cấp huyện miền Bắc ngày 18-11-1967
Trích bài “BÀI NÓI TẠI LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP HUYỆN” của Bác Hồ được đăng tải báo Bắc Cạn

Như đã nêu ở đầu bài viết. Trong bài phát biểu tại Lớp cán bộ cấp huyện miền Bắc ngày 18-11-1967, Bác nói “các đồng chí Quảng Bình…” và Bác có thay chữ trăm thành mười ở vế đầu và chữ vạn thành trăm ở vế sau nhưng nội hàm vẫn không thay đổi. Vậy nội hàm, ý nghĩa vẫn không thay đổi và cũng là câu trích dẫn của Bác Hồ để tuyên dương cán bộ và người dân tại đây thì việc dùng Dễ trăm hay mười, vạn hay trăm thì có gì sai trái, có gì là xấu hổ khi trích dẫn cho mục đích tuyên truyền. Với người dân Quảng Bình, Vĩnh Linh thì hoàn toàn có thể dùng câu “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” như một kỷ niệm khó quên mà người dân được Bác nhắc đến.

KTP Tổng hợp Báo Quảng Bình và Báo Thành Phố Bắc Cạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây